(LĐ) - Cứ mỗi mùa hè đến, trên các phương tiện truyền thông đại chúng lại xuất hiện liên tiếp các tin đau lòng về trẻ em chết đuối.
Vấn đề này năm nào cũng được đặt ra, năm nào cũng là câu hỏi cho mỗi gia đình và xã hội, nhưng đến nay, vẫn chưa hề có biện pháp phòng, chống nào hữu hiệu. Và trách nhiệm của những cái chết đau lòng này, không chỉ thuộc về gia đình.
Việc tập cho trẻ biết bơi là rất cần thiết
(ảnh có tính minh hoạ). Ảnh: G.H.
Ngày 8.6 vừa qua, hai bé trai 7 - 8 tuổi tại Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã chết đuối trong ruộng lúa. Trước đó một ngày, ngày 7.6, tại quận 7 (TP.Hồ Chí Minh), 4 cháu nhỏ tắm mưa đã rơi xuống rạch và chết đuối. Ngay trong ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), 3 cháu nhỏ từ 3 đến 5 tuổi xuống tắm và chết đuối ở hồ nuôi cá...
Từ đầu hè đến nay, hầu như tháng nào cũng có trường hợp trẻ em chết do đuối nước. Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày có 30 em bé bị chết do tai nạn thương tích, trong đó hơn 10 trẻ em chết đuối, từ chết trong nhà tắm, vũng nước, rúc đầu vào chum vại, đến chết ở ao hồ, sông biển...
Từ tháng 4 đến giữa tháng 5, thống kê từ các tỉnh, thành gửi về đã có 37 trẻ em tử vong và con số chưa dừng lại. Nếu đem so sánh với các quốc gia phát triển thì tỉ lệ trẻ em Việt Nam bị chết đuối cao gấp 10 lần.
Theo ông Nguyễn Trọng An - Cục phó Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này đầu tiên chính là vì công tác tuyên truyền chưa tốt, nhiều địa phương còn hoàn toàn thờ ơ với việc này.
Nguyên nhân sâu xa hơn chính là việc giải thể hệ thống Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, đồng nghĩa với việc giải thể mạng lưới gần 160.000 tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số. Chính vì thế, ở các địa phương không còn cộng tác viên đến từng gia đình để tuyên truyền, tổ chức các chiến dịch truyền thông..., chẳng còn ai chú tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Ngoài tuyên truyền, còn phải kể đến sự thiếu trách nhiệm của người lớn, từ gia đình đến xã hội. Đã có nhiều trường hợp trẻ chết đuối do công trình xây dựng dở dang, không có rào chắn, không có biện pháp bảo vệ. Thêm vào đó, chế tài xử lý những vi phạm liên quan đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em như đi đò phải có áo phao... cũng chưa có.
Bên cạnh đó, phải kể đến một nguyên nhân quan trọng khác, chính là vì trẻ quá thiếu sân chơi, nhất là trẻ em nông thôn. Ở nhiều thôn bản, mặc dù đã xây dựng được nhà văn hoá trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng hầu như trẻ em không được sử dụng.
Nhà văn hoá ngoài những lúc được dùng làm nơi hội họp cho người lớn, thì hầu hết đều khoá cửa im ỉm, không có sách báo, không có các hoạt động hè cho trẻ. Trẻ cứ tự chơi và tự quản với nhau, nóng thì rủ nhau ra hồ, ao tắm mà không có sự quản lý của người lớn. Ngay tại TP.Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.793 thôn có nhà văn hóa (chiếm 83%), trong đó chỉ có khoảng 30% số nhà văn hóa đạt chuẩn.
Mục tiêu của Việt Nam là năm 2010 sẽ giảm 2/3 số trẻ em bị chết đuối so với năm 2006. Thế nhưng với thực tế như hiện nay, mục tiêu này sẽ rất khó thực hiện được.
TS. Phạm Anh Tuấn - GĐ Trung tâm E-Bơi thuộc Cty tư vấn & truyền thông văn hoá - giáo dục - môi trường Pi (Pi C&E) - quá bức xúc trước tình trạng nhiều trẻ em Việt Nam bị chết đuối, đã quyết định xây dựng một website tại địa chỉ
www.eboi.vn để dạy bơi cho trẻ em và người lớn với thông điệp: “Để không còn đứa trẻ nào bị chết đuối”. Website dạy các em cách học bơi bằng tư duy, làm một số bài tập cơ bản, các kỹ thuật bơi tự cứu để nhỡ có sự cố rơi xuống nước.
Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, từ năm 2010 – 2015, cả nước sẽ thí điểm mô hình dạy bơi trong trường tiểu học bằng những hình thức phù hợp với từng địa phương. Đây là một giải pháp đã được đề nghị trong nhiều năm, nhưng để đưa vào thực tế thì vẫn còn rất nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và giáo viên.
Lao Động số 132 Ngày 11/06/2010.
NẾU BẠN (DỞ HƠI) CHƯA BIẾT BƠI NHƯNG...
- Sợ nước còn hơn sợ uống thuốc;
- Eo hẹp thời gian hơn cả quan;
- Muốn ăn chơi lại sợ mưa rơi;
- "Không có thày, đố mày học bơi";
- Ngại là hổ làm chuyện của thỏ;
- Muốn tự học mà không sách đọc;
- Học mãi mà vẫn thấy rất hãi;
- ...
Sao bạn không:
|