19/08/2010 15:19 1052
Tầm nhìn - Tự học bơi với E-Bơi Mail
(Tamnhin.net) - Học bơi dưới nước đã khó, tự học bơi trên cạn lại càng khó tin hơn. Vậy mà gần đây lại có nhiều người tự học bơi và biết bơi nhờ các bài học bơi gửi qua thư điện tử của Trung tâm E-bơi. Trước vấn đề khá mới và thú vị này, Tamnhin.net đã có cuộc trò chuyện với TS. Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm E-Bơi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Pi C&E.




TS. Phạm Anh Tuấn dạy bơi cho nhân viên khách sạn Fortuna. 

 

PV: Chào ông, trước tiên xin ông cho biết về những gì mà E-Bơi Mail đạt được trong thời gian qua?

TS. Phạm Anh Tuấn: Khoá học “E-Bơi Mail” của Trung tâm E-Bơi (Pi C&E) bắt đầu “chiêu sinh” đúng vào “Ngày nói dối” – 01/04 của năm 2010. Cho tới đầu tháng 8/2010, đã có hơn 1000 người từ hơn 50 tỉnh, thành phố của cả nước đăng ký nhận bài học. Cũng có cả những người Việt ở Nhật, Úc, Ba Lan, Anh… biết tới E-Bơi Mail và gửi thư xin bài.

Theo phản hồi, nhiều người sau khi học E-Bơi Mail đã hết sợ nước, đã dám xuống nước, nhiều người đã biết thả nổi, biết lặn, có người đã biết bơi ếch, có người nhờ E-Bơi Mail mà cải thiện được kỹ thuật bơi sải, bơi bướm... Có cả các ông bố bà mẹ nhận bài học của trung tâm để dạy cho trẻ nhỏ của mình lứa tuổi 9-11 biết bơi.

PV: Thưa ông, chỉ trong một thời gian ngắn đã có đông người học như thế, rõ ràng nhu cầu học bơi là khá cao. Ông đánh giá thế nào về tình hình tai nạn sông nước ở Việt Nam hiện nay và biện pháp đối phó?

TS. Phạm Anh Tuấn: Trong một đất nước có bờ biển dài hơn 3000 km, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, thì tai nạn sông nước là mối đe doạ lớn đối với cộng đồng xã hội, đặc biết là trẻ nhỏ. Được biết, mỗi ngày trong cả nước có hơn chục trẻ em, học sinh bị chết đuối. Tình hình tai nạn chết đuối ở trẻ nhỏ là nghiêm trọng.
Chính vì thế, cộng đồng xã hội và các cấp chính quyền đang có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc PCCĐ và dạy bơi cho trẻ nhỏ. Hiện việc học bơi đang được đưa thử nghiệm vào một số trường tiểu học. Tuy nhiên, do hạn chế về nhân vật (bể bơi, kinh phí, sách vở, người dạy…), việc này chắc chắn không dễ. Nếu không có cách giải quyết khác, số người/trẻ em bị chết đuối sẽ không giảm. Vì vậy, Trung tâm E-Bơi ra đời với cách học bơi bằng trí khôn, với khẩu hiệu “Hãy nghĩ về bơi để biết bơi”, với một sứ mệnh là “Để trẻ em không còn bị chết đuối”.

PV: Xin ông cho biết việc tổ chức học bơi qua thư điện tử của trung tâm hiện được thực hiện như thế nào?
TS. Phạm Anh Tuấn: E-Bơi Mail là miễn phí và được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ. Ai muốn học chỉ cần vào trang web www.eboi.vn đăng ký học, đăng ký địa chỉ mail nhận bài là trung tâm sẽ gửi bài tới. Có tất cả 5 bài học, tương đương 5 mức được sắp xếp từ thấp tới cao, được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu và được gửi làm 3 đợt. Mỗi khi học xong một đợt, người học sẽ thông báo kết quả, chia sẻ các khó khăn, thuận lợi, có thể yêu cầu tư vấn… rồi nhận tiếp bài học mới. Học hết 5 bài là sẽ biết bơi ếch cơ bản.

PV: Thưa ông, học bơi có người dạy đã khó, học bơi và biết bơi nhờ bài học gửi qua thư điện tử thật khó tin. Xin ông cho biết cơ sở khoa học của việc này.

TS. Phạm Anh Tuấn: Ta có thể học nhiều thứ qua sách vở, học nhiều thứ từ xa nhờ internet, nhờ các khoá học gọi là e-learning… Vậy tại sao lại nghi ngờ khả năng tự học bơi qua internet, tự học bơi qua thư điện tử? Con người có khả năng tự học rất cao, sao lại bỏ phí khả năng này? 

Cái chính là số đông hiện nay đang nhầm lẫn, đánh đồng việc bơi và học bơi với nhau. Bơi phải xuống nước. Đương nhiên là thế. Rõ ràng là không có ai có thể bơi trên cạn. Nhưng học bơi thì lại khác, học bơi có thể học được 100% trên cạn. Học bơi trên cạn là học mọi kiến thức cần thiết về bơi lội, về sông nước, về mình để rồi xuống nước là bơi. Vì thế câu khẩu hiệu của E-Bơi là “Hãy nghĩ về bơi để biết bơi”. Học bơi mà không nghĩ, không tư duy, chỉ bắt chước, làm theo nên mới có chuyện học mãi vẫn không bơi được.

 




TS. Phạm Anh Tuấn dạy học viên tập đạp chân kiểu ếch.

PV: Xin ông nói rõ hơn về cách thức học và luyện tập trên cạn?
TS. Phạm Anh Tuấn: Đối với nhiều người, bơi lội là một môn học khó. Có người sợ nước đến nỗi không dám xuống nước; có người không sợ nước nên tập mãi vẫn không biết bơi; lại có những người học bơi với chế độ một thầy một trò, nhưng cuối cùng vẫn không bơi được.

Người ta thường ngại học bơi là do sợ bị sặc, bị chìm. Vậy ngay ở trên cạn, E-Bơi giúp họ học cách hít vào, thở ra để giải quyết nối lo bị sặc. E-Bơi lại giúp họ hiểu rằng nước sẽ đẩy người nổi lên theo định luật Archimedes chứ không dìm người xuống như nhiều người vẫn nghĩ, và rằng phổi người ta chứa 3-5 lít không khí có thể dùng làm phao cứu sinh tuyệt vời… và chỉ cho người học cách thực hành thả nổi. Như vậy nỗi lo bị chìm cũng được giải quyết.

E-Bơi cũng xây dựng nhiều bài tập nhỏ để luyện tập kỹ thuật bơi ếch, bơi sải, bơi bướm… ngay trên cạn, tiến tới lắp ghép các kỹ năng này với nhau. Khi người học hình dung, làm tốt được các kỹ thuật này ngay trên cạn, xuống nước một buổi là có thể bơi luôn. Với cách học này, người học tự hiểu khi gặp tai nạn sông nước nên ứng xử thế nào, khi bơi thì nên quạt tay, đạp chân ra sao cho hiệu quả, ít tốn sức… Rõ ràng, khi đã hiểu về mình, về môi trường sông nước, về bản chất các động tác bơi lội, người học sẽ không còn sợ sặc, sợ chìm, sẽ biết bơi rất nhanh và biết ứng phó khi gặp sự cố sông nước.

Và cũng chính vì “Học bơi bằng trí khôn”, học trên cạn trước, nên việc học bơi dưới nước cũng được rút ngắn rất nhiều. Thông thường, người ta phải học 10-15 buổi dưới nước mới biết bơi ếch. Học theo E-Bơi, chỉ cần học thật kỹ trên cạn, xuống nước vài ba buổi là đạt được cùng kết quả như trên.

 

Học viên E-bơi sau vài ba lần xuống nước đã biết bơi nhờ học bơi qua E-Bơi Mail.

PV: Vậy thưa ông, sau một thời gian hoạt động, ông đánh giá thế nào về ưu điểm và nhược điểm của E-Bơi Mail?

TS. Phạm Anh Tuấn: Với E-Bơi Mail, người ta có thể học bơi ngay trên cạn, mọi lúc mọi nơi. Có học viên nói rằng, cứ ngồi máy tính một lúc thấy mỏi là lại đứng lên làm vài động tác bơi lội theo hướng dẫn của E-Bơi… Học đơn giản như vậy nên người học chủ động được về địa điểm, thời gian, thời tiết... Ngoài ra, E-Bơi Mail là miễn phí nên cũng rất thích hợp cho những người muốn học bơi nhưng có khó khăn về tài chính. E-Bơi Mail cũng có khả năng xã hội hoá cao bởi dễ truyền dạy từ người này sang người khác, kể cả từ người lớn sang trẻ nhỏ. Hơn nữa, Trung tâm E-Bơi luôn có sẵn tài liệu, web, video clips… để hỗ trợ hàng trăm hàng ngàn người cùng học một lúc.

Nhược điểm của E-Bơi nói chung và E-Bơi Mail nói riêng là cách học quá mới, chưa được số đông tin theo. Nó cũng đòi hỏi người học tự mình thực hiện và hoàn thiện các động tác kỹ thuật mà không có sự “chỉ bảo, hướng dẫn” tại chỗ. Chắc sẽ có nhiều người rụt rè, nhút nhát, thụ động không thích cách học này. Ngoài ra, bơi lội cũng là một thú vui giải trí, được xuống nước học bơi bao giờ cũng thích hơn là học “chay trường” trên cạn.

PV: Dù thế nào thì cũng đã có nhiều người tự học bơi và biết bơi với E-Bơi Mail. Xin cảm ơn ông và chúc cho E-Bơi Mail và Trung tâm E-Bơi ngày càng thành công với sứ mệnh “Để trẻ em không còn bị chết đuối”!
  


NẾU BẠN (DỞ HƠI) CHƯA BIẾT BƠI NHƯNG...


  • Sợ nước còn hơn sợ uống thuốc;
  • Eo hẹp thời gian hơn cả quan;
  • Muốn ăn chơi lại sợ mưa rơi;
  • "Không có thày, đố mày học bơi";
  • Ngại là hổ làm chuyện của thỏ;
  • Muốn tự học mà không sách đọc;
  • Học mãi mà vẫn thấy rất hãi;
  • ...

    Sao bạn không:

 


 
 
 

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Trung ương Hội LHPN Việt Nam: Trao 12 giải sáng kiến dự thi phòng chống đuối nước trẻ em

Trung ương Hội LHPN Việt Nam: Trao 12 giải sáng kiến dự thi phòng chống đuối nước trẻ em

  • 02/01/2020 08:39
  • 1779

Ngày 24/12, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn đánh giá, bình chọn các sáng kiến phòng, chống đuối nước trẻ em.

Bài viết khác

Báo Lao động: Trẻ đuối nước - Trách nhiệm thuộc về ai?

Báo Lao động: Trẻ đuối nước - Trách nhiệm thuộc về ai?

  • 24/06/2010 10:34
  • 933

Cứ mỗi mùa hè đến, trên các phương tiện truyền thông đại chúng lại xuất hiện liên tiếp các tin đau lòng về trẻ em chết đuối.Vấn đề này năm nào cũng được đặt ra, năm nào cũng là câu hỏi cho mỗi gia đình và xã hội, nhưng đến nay, vẫn chưa hề có biện pháp phòng, chống nào hữu hiệu. Và trách nhiệm của những cái chết đau lòng này, không chỉ thuộc về gia đình...