Người bơi giỏi vẫn có thể bị đuối nước, trong khi người không biết bơi có thể thoát khỏi cửa tử của thủy thần? Đó là nhờ học bơi và ứng xử bằng trí khôn.
Thống kê năm 2010 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cho thấy tỷ lệ trẻ đuối nước tại Việt Nam cao nhất so với các nước trong khu vực. Trung bình mỗi ngày có 10 trẻ tử vong vì lý do này, chủ yếu ở độ tuổi 7-15. Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy tỷ suất đuối nước ở trẻ em nước ta cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trong đó, hơn một nửa số trường hợp bị đuối nước xảy ra trong các hoạt động ngoài trời khi trẻ chơi gần nhà. Trẻ em ở nông thôn chết đuối nhiều hơn thành thị.
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm E-Bơi, Hà Nội cho biết, khi một người bị chất dịch (thường là nước) tràn vào mũi miệng làm cho không thở được thì sẽ bị đuối nước. Đuối nước lâu, não thiếu oxy, người sẽ bị chết ngạt. Như vậy, chết đuối là do nước sặc vào đường hô hấp gây phản ứng co thắt dẫn tới ngạt thở, gây tử vong.
Theo ông Tuấn, người ta vẫn nghĩ chết đuối là do không biết bơi. Nếu không muốn chết đuối, phải xuống nước học một kiểu bơi nào đó, ví dụ bơi ếch, bơi sải, bơi ngửa... Thực tế, nhiều người, kể cả biết bơi, thậm chí bơi giỏi, nhưng vì chủ quan, hoặc chuột rút, hay mắc sẵn các bệnh nào đó... vẫn có thể bị đuối nước; và lại có cả trẻ em chết đuối ở những nơi nước nông không bơi được như ngã úp mặt vào xô, chậu, chum vại chứa nước trong nhà.
Biết các kỹ thuật phòng chống chết đuối sẽ giúp cả người lớn và trẻ nhỏ
yên tâm hơn mỗi khi ở môi trường sông nước. Ảnh: Minh Thùy.
Hơn nữa, khi dân số ngày càng tăng, điều kiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho việc học bơi còn thiếu, khi an toàn giao thông đường thuỷ chưa đảm bảo, hàng năm vẫn sẽ có nhiều người chết đuối, nhất là trẻ em. Vì vậy, theo ông Tuấn, ngoài việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống chết đuối với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cần một cách khác để phòng chống đuối nước - một cách giúp mọi người có thể sống sót nếu chẳng may bị rơi xuống nước, dù họ chưa hề biết bơi. Và đó là kỹ thuật “Bơi tự cứu” hay “Bơi sống sót”.
Ông Tuấn cho biết, kỹ thuật “Bơi tự cứu” rất đơn giản, không tốn kém, ai cũng có thể tập dượt trước cả trong tư duy lẫn thực hành để sử dụng khi chẳng may bị rơi xuống nước. Với phương pháp này, người không biết bơi, khi rơi xuống nước vẫn có thể sống sót nhờ thực hiện 4 bước sau đây:
- Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên;
- Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu;
- Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn;
- Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.
Theo ông Tuấn, với cách này, người ta có thể tồn tại dưới nước khá lâu, chờ người đến cứu, hoặc lợi dụng dòng chảy để chuyển vào chỗ nông hơn. Và tất cả những bước trên đều có thể luyện tập dần dần trên cạn và có thể giáo dục cho trẻ từ khi còn ở trường mầm non.
Nhìn nhận về kỹ thuật bơi tự cứu trong việc phòng chống đuối nước, nhất là cho trẻ em, ông Nguyễn Trọng An, phó cục trưởng Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em cho biết, đây là một cách đi đúng, và cần phối hợp song song giữa luyện tập trên cạn và dưới nước.
Ông An cho biết, những năm qua, giảm số trẻ bị đuối nưới luôn là một trong những mục tiêu cấp thiết ở nước ta. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đã vào cuộc giúp đỡ chúng ta thực hiện mục tiêu này, song, hiện trạng trẻ đuối nước cao vẫn chưa được khắc phục.
Thực tế, Bộ giáo dục đào tạo cũng đã phát công văn yêu cầu dạy bơi để phòng chống đuối nước cho học sinh ngay từ cấp tiểu học, song vẫn chưa thấy sự chuyển biến nào đáng kể, mà nguyên do chính vẫn là thiếu bể bơi, thiếu người dạy bơi.
Ông An cho rằng, thực ra, một trong những vấn đề cản trở nằm ở chỗ nhiều người quá cầu toàn trong việc dạy bơi cho trẻ: phải có bể bơi đạt tiêu chuẩn, nước phải đảm bảo chất lượng...
"Nếu muốn cơ sở vật chất thật tốt mới học bơi, dạy bơi thì quá khó với một nước nghèo như chúng ta. Trong khi, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện việc này bằng những cách đơn giản hơn, như học bơi trên cạn, học bơi bằng những bể đơn giản, giá rẻ có giá đỡ, có thể xả nước vào, sử dụng trong 5 năm như đã làm mô hình thí điểm ở Đà Nẵng, hoặc sử dụng lồng bơi có thể mang đi mang lại như ở đồng bằng sông Cửu Long", ông An nói.
Ông cho rằng, tại thời điểm này, giúp trẻ biết bơi, có kiến thức phòng chống chết đuối, quan trọng hơn việc quan tâm xem bể bơi thế nào tốt, chất lượng nước phải thế nào mới cho con đến...
Thơ phòng chống chết đuối của Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm E-Bơi, Hà Nội.
Để phòng đuối nước bạn ơi,
E-Bơi xin dặn mấy lời sau đây:
Chớ lên đò chở quá đầy!
Chớ đi bơi lội giữa ngày bão giông!
Trẻ nhỏ bơi, người lớn trông,
Ao, chuôm rào kín thì không việc gì.
Môi trường sông nước hiểm nguy,
Học sinh, trẻ nhỏ chớ đi một mình.
Mặt nước bằng phẳng, lặng thinh,
Nhưng bao tai họa đang rình đợi ta.
Hố sâu, đất sụp, bùn sa…
Gặp nơi như thế, sẽ là nguy thôi.
Ăn no đừng tắm bạn ơi,
Dạ dày nó “kiện”, “chuột” thời “rút” gân.
Tập bơi nên chọn chỗ gần,
Nước nông, quen thuộc, khi cần kêu to.
“Qua sông thì phải luỵ đò”,
Áo phao nên mặc để cho an toàn.
Thi bơi, nhảy cắm, đùa càn,
Nơi nước sâu, xiết xin ngàn lần không.
Thấy người bị nạn nơi sông,
Nếu không bơi giỏi thì không nên liều.
Nhanh chân, nhanh miệng ta kêu,
Gọi người đến cứu là điều khôn ngoan.
Vui chơi nhưng phải an toàn,
Không nhảy xuống nước khi toàn mồ hôi.
Để phòng đuối nước bạn ơi
E-Bơi xin dặn mấy lời như trên
NẾU BẠN (DỞ HƠI) CHƯA BIẾT BƠI NHƯNG...
- Sợ nước còn hơn sợ uống thuốc;
- Eo hẹp thời gian hơn cả quan;
- Muốn ăn chơi lại sợ mưa rơi;
- "Không có thày, đố mày học bơi";
- Ngại là hổ làm chuyện của thỏ;
- Muốn tự học mà không sách đọc;
- Học mãi mà vẫn thấy rất hãi;
- ...
Sao bạn không:
|