08/10/2007 08:09 1296
Kaizen & Bơi ếch (2)
Phần lớn những người đã biết Kaizen cho rằng phương pháp này chỉ dùng để cải tiến sản xuất kinh doanh. Chỉ người điên mới áp dụng Kaizen vào bơi ếch, bơi sải ..., và người đó xứng đáng nhận giải Ig Nobel. Tớ lại nghĩ Kaizen là "Cải tiến liên tục", "Cải tiến để tốt hơn" nên áp dụng vào đâu chả được, kể cả bơi ếch. Tớ thuộc loại điên nhất quả đất chăng?

Để xem có ai điên như mình, tớ vào Google tìm với hai từ "Kaizen" và "Swimming", tìm bằng hình ảnh hẳn hòi. Kết quả là tìm được một lão người Tây tên là Terry Laughlin với bài viết: "Kaizen Swimming: How to improve continuously ... no matter how long you swim" post lên mạng hồi tháng 10 năm 2005. Ha, ha! Có một thằng tây cũng điên như mình.

Cũng có nhiều bài viết khác liên quan đến chủ đề này, nhưng xem kỹ thì hầu hết vẫn của thằng cha mắt xanh mũi lõ đó. Lúc nào tớ có thời giờ, tớ sẽ lược dịch bài báo của hắn và post lên đây. Tuy nhiên những gì hắn viết không giống với những gì tớ sắp bật mí với các bạn. Những gì tìm được ở Google cho thấy tớ chưa phải là thằng điên và khùng nhất quả đất, tớ chỉ đứng thứ hai thôi và lại ... điên sau thằng cha Terry Laughlin đúng một năm thế mới đau. Nếu áp dụng Kaizen vào bơi ếch trước 2005 thì chắc là tớ sẽ điên nhất quả đất.

Có thể áp dụng Kaizen trong bơi ếch vì bơi là đi trong nước và nếu không biết cách giảm thiểu lực cản của nước, ta sẽ bơi rất chậm mà vẫn tốn sức. Áp dụng Kaizen vào bơi ếch tức là:

+ Hãy Seiri (Sàng lọc) các động tác thừa;

+ Hãy Seiton (Sắp xếp) các chiêu thức theo trình tự nhất định;

+ Hãy Seiso (Sạch sẽ - Thực hiện) diệu nghệ từng động tác;

+ Hãy Seiketsu ( Săn sóc - Chuẩn hoá) từng thao tác và cả quá trình

+ Hãy Shitsuke (Sẵn sàng - Duy trì) những gì đạt được trong mọi tình huống.

Như vậy Kaizen trong bơi ếch đâu có gì khó, chỉ là khổ luyện thành tài, chỉ là bơi và suy nghĩ cải tiến trong khi bơi mà thôi.

Khi "Kaizen" bơi ếch, cần chú ý một số vấn đề sau:

Ta đẩy nước hay quạt nước?

Mọi người thường nghĩ bơi là dùng tay chân đẩy nước tạo phản lực (từ trước ra sau). Tuy nhiên, những chuyên gia bơi lội hàng đầu thế giới phát hiện rằng đẩy nước không hiệu quả bằng quạt nước, tức là quạt từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ trước ra sau để vừa tạo phảnlLực vừa tạo áp lực đẩy sinh ra do tạo xoáy nước.

Nếu quạt nước với góc nghiêng và cường độ lực hợp lý thì phản lực + áp lực xoáy nước rất lớn giúp bơi nhanh mà không tốn sức. Người đẩy nước muốn bơi nhanh sẽ phải thi triển công lực của vai, cánh tay khuỷu tay, chân một cách ... Vũ phu nên rất nhanh mệt.

Phản lực (đẩy Nước) + Áp lực Xoáy nước (quạt nước) >>> Phản lực (đẩy Nước)

Nên nhớ, tốc độ quạt nước tối ưu là lúc đầu chậm, sau tăng dần và đạt giá trị cao nhất vào thời điểm cuối cùng trước khi chuyển sang thả lỏng chuẩn bị một vòng bơi mới.

Khi bơi góc nghiêng của tay và chân thế nào?

Nếu nghiêng tay và chân quạt nước hợp lý, không những tốc độ bơi tăng mà còn tiết kiệm được sức. Các chuyên gia bơi lội cho biết khi chân, tay nghiêng 40 độ so với mặt nước thì áp lực xoáy nước và lực nâng là tối đa. Tuy nhiên, rất khó giữ được góc 40 độ trong suốt quá trình bơi, vì thế nếu duy trì góc nghiêng trong khoảng 20 - 50 độ là ổn.

Làm thế nào giảm thiểu lực cản của nước?

Dù quạt tay quạt chân thế nào, ta vẫn phải giữ cơ thể song song với mặt nước. Cá bơi nhanh bởi nó chuyển động trong nước với thuỷ động học tối ưu. Rất nhiều người để phần chân chìm quá sâu dưới nước, trong khi phần đầu nhô cao và ngửa nhiều ra sau, vừa làm tội cái gáy vừa làm thân mình gần như vuông góc với chiều chuyển động nên lực cản rất lớn. Bơi như thế mà bơi lâu được thì đúng các bạn là em của ... Lý Đức và Phạm Văn Mách.

Chân có tác dụng gì khi bơi?

Câu hỏi này có vẻ ngô nghê. Chân không đạp nước thì làm gì? Nhất định thế, nhưng đạp thế nào, mạnh nhẹ ra sao mới quan trọng. Tớ cá rằng rất ít người biết, lực đẩy của chân (trừ bơi ếch và bơi bướm) chỉ chiếm 40% tỉ lệ tốc độ bơi trong cự ly ngắn và 20 % trong cự ly dài. Vì vậy, đập chân chủ yếu để giữ cho cơ thể bình ổn, nổi trên mặt nước, hỗ trợ động tác tay. Khi quay vòng, đạp mạnh chân vào thành bể cũng tăng được tốc độ. Hãy nhớ bí kíp này để khỏi tốn sức và nước đỡ bắn ảnh hưởng đến các em xinh xinh bên cạnh.

Bơi là thư giãn, là hưởng thụ, đừng có gắng sức nhấp nhổm cái mông, đừng có nhô lên hụp xuống rồi phùng mang thở ra, há miệng hít vào, phì phà phì phò như cái bễ lò rèn, làm xấu cả bể bơi và làm buồn lòng các em hâm mộ. Nên nhớ, Vũ Phu khi bơi cũng sẽ Vũ phu ở đời. Làm gì cũng nên có mưu, đừng mưu mô là được!
 


HÃY "NÓI KHÔNG VỚI CHẾT ĐUỐI"
bằng cách:
Đừng quên

ĐỂ TRẺ CHẾT ĐUỐI LÀ TỘI CỦA NGƯỜI LỚN


© E-Bơi 

Chia sẻ:

Bài viết khác

Kaizen & Bơi ếch (1)

Kaizen & Bơi ếch (1)

  • 08/10/2007 07:54
  • 1101

Kaizen là một trong các triết lý quản lý của người Nhật. Kaizen là từ ghép của Kai = "Thay đổi" và Zen = "Tốt hơn". Kaizen nghĩa là "Thay đổi để tốt hơn" hay "Cải tiến liên tục". Hiện nay trên thế giới, rất nhiều doanh nghiệp lớn đã áp dụng Kaizen để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nhưng liệu có thể áp dụng Kaizen vào nâng cao kỹ xảo bơi ếch?