Đạp chân ếch quyết định 70% tốc độ và quãng đường đi trong môn bơi ếch. Tưởng chừng việc bắt chước con ếch đạp chân khi bơi rất dễ, vậy mà có nhiều người không làm được. Họ cũng đạp chân ra, co chân vào mà người chẳng di chuyển được bao nhiêu. Có người đạp mạnh đến nỗi mông trồi lên mặt nước mà vẫn không bơi được. Nói chung bơi hùng văn hục là không ăn thua.
Ai muốn đạp ếch đúng, hãy tập trên cạn thật kỹ các bước sau trước khi xuống nước:
Nằm sấp bụng trên sàn nhà, trên giường…, hai tay giang sang hai bên vuông góc với thân. Gập tay nơi khuỷ, để hai bàn tay chồng lên nhau, đặt cằm lên. Toàn thân thư giãn, hai chân khép sát, duỗi thẳng.
Hô 1 - Hai chân khép thẳng, nghỉ 1-2 giây hay hơn;
Hô 2 - Từ từ gập ngược hai chân nơi đầu gối để hai gót chân áp sát gần mông (Phục hồi tư thế chuẩn bị đạp ra). Lúc này hai cẳng chân và hai cạnh bàn chân vẫn khép sát vào nhau;
Hô 3 - Tách thật rộng hai đầu gối sang hai bên nhưng vẫn giữ hai gót chân dính sát vào nhau, đồng thời vặn hai mũi bàn chân ra phía ngoài. Lúc này hai cẳng chân chụm với nhau thành chữ V ngược, còn hai bàn chân tạo với nhau một mặt phẳng (dính nhau ở gót chân) để chuẩn bị đạp nước ra sau (Tạo lực tiến lên);
Hô 4 - Đạp bung hai lòng bàn chân ra sau để đẩy nước. Đùi, cẳng chân và lòng bàn chân chuyển động theo hình vòng cung. Cuối cú đạp khép, vuốt hai chân đẩy nước giữa hai đùi và chân thoát mạnh ra. Chân duỗi thẳng trở về tư thế ép sát vào nhau ban đầu;
Hô 1 - Hai chân khép thẳng, nghỉ 1-2 giây;
Hô 2 - ...
Tập đi tập lại bài tập này cho kỹ, để xuống nước không bị cuống, lẫn.
Để dễ hình dung hướng chuyển động của hai bàn chân, có thể quan sát hình động dưới đây:
Phân tích cách đạp chân ếch với "Trí khôn":
- Việc thu chân bằng cách gập nơi đầu gối để hai gót chân gập ngược về phía sau mông trong bước 2 tạo ít lực cản hơn khi co khớp hông đưa đầu gối về sát bụng. Co khớp hông, đùi gập tạo với bụng một góc vuông, lực cản sinh ra lớn, người bị đẩy giật lùi ra sau thay vì bơi tới. Co khớp hông mạnh cũng là nguyên nhân làm nổi mông lên mặt nước;
- Việc giang rộng hai đầu gối và vặn hai mũi bàn chân ra ngoài trong bước 3 làm cho việc đạp nước bằng lòng bàn chân đẩy nước ra sau hiệu quả. Nhiều người không vặn bàn chân đạp nước nên khi đạp, mũi bàn chân sẽ bổ, cuốc nước từ trên xuống dưới. Bổ nước như thế làm sao bơi được?
- Cách đạp vuốt nước vòng cung (từ trước ra sau, từ ngoài vào trong) bằng lòng bàn chân, đùi và cẳng chân trong bước 4 cho phép đẩy một khối lượng nước rất lớn về phía sau để bơi tới;
- Sau khi đạp ra và khép chân lại, hãy giữ ở tư thế này 1-2 giây hoặc lâu hơn để người lướt đi dước tác dụng của lực đạp chân. Co chân lại sớm quá, nhanh quá và co chân sai (nơi khớp hông) sẽ tạo ra lực cản lớn, triệt tiêu lực bơi tới.
Nếu tập đạp ếch khi đứng, động tác co chân và vặn bàn chân gần giống với múa Chăm:
Ảnh sưu tầm từ Internet
Biết mình; Biết nước; Biết bản chất chuyển động bơi lội; Biết cách hít thở khi bơi lội; Biết cách thả nổi & thư giãn; Biết cách bơi chìm đầu (Lặn); Biết chuyển động DỊCH CÂN KINH; Biết chuyển động CÁ HEO (DOLPHINE).
Và luôn nhớ BÌNH TĨNH THÌ NỔI - HOẢNG LOẠN THÌ CHÌM
|
© E-Bơi