
Được GNV (Good Neighbors Việt Nam) tại Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang tài trợ, từ 24/3 tới 1/4/2014, Trung tâm E-Bơi đã thực hiện Chương trình Phòng chống đuối nước cho ~ 200 em hs thuộc 4 lớp của 2 trường tiểu học Đại Phú và Thiện Kế, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Với thời lượng 2 ngày (4 buổi, mỗi buổi 2-3 giờ) cho mỗi lớp, E-Bơi đã tập trung vào 6 nội dung sau":
1. Xác định nguyên nhân của chết đuối: Học sinh được học rằng chết đuối là do ngạt thở lâu vì nước dẫn đến chết não, tim và phổi chứ không phải do không biết bơi; rằng chết đuối/đuối nước có thể xảy ra tại nhà, ở những nơi nước nông không bơi được và đã có nhiều người lớn bơi giỏi vẫn chết đuối do chủ quan.
2. Nhận diện, phòng tránh mặt nước hở nguy hiểm: Khi đã biết đuối nước/chết đuối là do bị ngạt nước, học sinh học các biện pháp ngăn không cho nước thâm nhập vào đường thở thay vì chỉ tập trung học bơi. Với tình hình hiện tại, chủ trương đưa bơi lội vào trường học là không khả thi (thiếu bể, giáo viên, kinh phí...), đặc biệt là với các vùng sâu vùng xa còn khó khăn. Nếu trẻ nhỏ biết nhận diện, tránh xa “mặt nước hở nguy hiểm”, chắc chắn số tai nạn đuối nước/chết đuối hàng năm có thể giảm đáng kể, mà chưa cần học bơi;
3. Học cách thở khi bơi: Bên cạnh việc tránh mặt nước hở nguy hiểm, học sinh được học cách thở khi đầu chìm vào nước phòng khi gặp tai nạn với nước. Kỹ năng này đươc tập ngay trên cạn với ống hút, bát nước, chậu nước...
4. Biết Bơi Tự cứu: Sau khi học thở, các em được tập các động tác bơi tự cứu giúp tồn tại lâu hơn trong nước chờ người tới cứu. Bơi tự cứu có các động tác rất đơn giản, có thể tập thành thạo ngay trên cạn trong 4 buổi học;
5. Biết cứu người đuối nước: Học sinh được học những điều cần làm (gọi người lớn, gọi số điện thoại 115, tìm vật nổi quăng ra... ) và không được làm như nhảy xuống, bơi ra cứu hoặc bỏ mặc...) khi gặp ai đó bị đuối nước...
6. Biết sơ cấp cứu người đuối nước: Học sinh được học cách hà hơi thổi ngạt, nhấn tim ngoài lồng ngực... để cứu người đuối nước khi cần thiết.
Đánh giá chung về khóa học
Học sinh tỏ ra rất thích thú với nội dung giảng dạy có các ví dụ thực tế, có nhiều hình ảnh và thơ ca minh họa sống động; học sinh được tham gia tích cực vào các bài tập, trò chơi bổ trợ, chuyên biệt, định hướng theo từng nội dung. Dù chỉ được học trong 2 ngày (4 buổi), nhưng kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước của các em đã được cải thiện rõ rệt. Điều này được kiểm chứng bằng các trắc nghiệm đầu ra và đầu vào.
Với nội dung và thời lượng như trên, chương trình tỏ ra rất thích hợp cho học sinh tiểu học ở các vùng sâu, xa, có thu nhập thấp, đời sống khó khăn./.