Sau khi tập hít vào, thở ra (3 phút), thả nổi với "Thai nhi nghịch ngợm" (3 phút), ta sẽ học cách nhô lên hụp xuống (thở kết hợp với thả nổi) để có thể chuyển động và tồn tại lâu dài, tự thân dưới nước.
Kỹ thuật này rất đơn giản, nhưng "cực độc" bởi có thể tập ngay trên cạn và là "Kỹ thuật phòng chống chết đuối cho người không biết bơi" của E-Bơi, được Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch cấp
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 737/QTG/2009.
Kỹ thuật này được thực hiện như sau:
Đứng thẳng người, hai tay buông xuôi, mắt nhắm. Hãy tưởng tượng là đang đứng dưới nước ở chỗ sâu gần ngang vai. Bắt đầu thở vào bằng miệng, sau đó thở ra nhè nhẹ bằng mũi, rồi từ từ nhún hai đầu gối cho người khom xuống. Tưởng tượng là đầu đã ngập vào nước. Vẫn tiếp tục thở ra bằng mũi và rồi gập nơi khuỷu tay để hai bàn tay giơ ngang vai, lòng bàn tay hướng ra trước, khum lại như cái thìa. Khi gần hết hơi, ấn mạnh hai bàn tay xuống nước (tưởng tượng) và vươn mình đứng thẳng để đầu nhô khỏi mặt nước. Rồi lại thở vào bằng miệng và từ từ nhún đầu gối chìm xuống ...
Động tác này có thể tập theo nhịp tập thể dục buổi sáng:
1, 2 - đứng thẳng và thở vào bằng miệng;
3, 4, 5, 6 - nhún chân chìm vào nước, mũi thở ra từ từ;
7,8 - quạt tay vươn người đứng lên, vẫn thở ra bằng mũi
2,2 - đứng thẳng và thở vào bằng miệng;
3, 4, 5, 6 - nhún chân chìm vào nước, mũi thở ra từ từ
7,8 - quạt tay vươn người đứng lên, vẫn thở ra bằng mũi
3,2 - đứng thẳng và thở vào bằng miệng…
Để nhớ được kỹ thuật thả nổi (nhô lên hụp xuống) và kỹ thuật hít vào thở ra, cũng có thể học thuộc mấy vần thơ “Bút Tao” sau đây:
Thả nổi mới dễ làm sao
Há miệng thở vào cho thật là sâu
Nhún chân, chùng gối, hạ đầu
Mũi chìm vào nước, bắt đầu thở ra
Dập dềnh, sóng nước quanh ta
Thả lỏng cơ bắp để mà nghỉ ngơi
Làm gì phải cuống bạn ơi?
Bình tĩnh thả nổi, đi đời nỗi lo!
Phổi ta là cái phao to
Chìm đâu có dễ mà lo ốm người
Khi hơi trong ngực cạn rồi
Tay quạt nước xuống, đầu thời nhô cao
Thả nổi mới dễ làm sao
Há miệng thở vào cho thật là sâu…

Phổi ta là cái phao to - Minh hoạ: Vũ Minh Chinh, E-Bơi
Chỉ cần nắm được kỹ thuật thả nổi và nhấp nhô lên xuống này, người không biết bơi cũng có thể tồn tại lâu dài dưới nước, đợi người đến cứu, nếu chẳng may bị rơi xuống nước khi đi phà, đi thuyền.
Hình vẽ dưới đây mô tả động tác nhô lên hụp xuống dưới nước. Và nếu bạn dùng hai tay quạt mạnh nước về phía sau, người bạn sẽ tiến đáng kể về phía trước, chứ không chỉ nhô lên hụp xuống tại một chỗ. Rõ ràng là bạn đang bơi, dù chẳng theo kiểu nào và không được đẹp. Điều đó không quan trọng bằng việc bạn có thể sống sót khi bị rơi xuống nước.

Kỹ thuật nhô lên hụp xuống - Minh hoạ: Vũ Minh Chinh, E-Bơi
(Trích từ "E-Bơi Kỹ thuật phòng chống chết đuối cho người không biết bơi"
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 737/QTG/2009)
Thực tế Nhô lên hụp xuống dưới nước của bạn Sóc
Rõ ràng, chỉ qua 10 phút, bạn đã nắm được toàn bộ kỹ thuật phòng chống chết đuối. Tất nhiên bạn phải học và luyện tập kỹ thuật này thật thuần thục để có thể thực hiện chúng ngay cả trong mơ. Chỉ có như thế bạn mới có cơ hội sống sót khi rơi xuống nước, dù không biết bơi ếch, bơi sải, bơi ngửa. Kỹ năng là năng tập cho kỹ!
CHÚC BẠN THÀNH CÔNG!
VÀI NÉT VỀ E-BƠI & E-BƠI TEAM
Dự án E-Bơi và E-Bơi Team được
Pi C&E khởi động ngày 19/01/2009 nhằm giảm thiểu tai nạn sông nước cho trẻ em

Những thành viên đầu tiên của E-Bơi (01/2009)
Mục tiêu của E-bơi: "Để trẻ em không còn bị đuối nước"
Nét đặc biệt của E-Bơi:
E-Bơi giúp mọi người học bơi bằng tư duy, học bơi bằng "trí khôn";E-Bơi giúp mọi người tự học bơi ở nhà, ngay trên cạn để xuống nước có thể bơi ngay được;E-Bơi giúp mọi người học cách ứng xử khôn ngoan với tai nạn sông nước;E-Bơi khơi dậy khả năng bơi lội tiềm ẩn trong mỗi con người.
Triết lý bơi lội của E-Bơi:
René Descartes nói:
"I think, therefore I am" - "Tôi tư duy, vì vậy tôi hiện hữu"
Học René Descartes, E-Bơi nói:
hay
"Tôi suy nghĩ về bơi là tôi biết bơi"
"I think of swimming, therefore I can swim" hay "Think of swimming, be swimming!" "Hãy nghĩ về bơi để biết bơi!"

Logo E-Bơi - Tác giả Vũ Minh Chinh, E-Bơi
Slogan của E-Bơi:
"Hãy nghĩ về bơi để biết bơi!"
©E-Bơi